Thành phần hóa học
Cây chứa tinh dầu và tanin. Tinh dầu (0,5% ở cây khô, 1,1-2% ở lá, 1,4% ở hoa) mà thành phần gồm có a-pinen (tới 80%), terpen, borneol, acetat bornyl, camphor, cineol và một sesquiterpen (caryophyllen). Nếu mới cất, tinh dầu là một chất lỏng không màu hay vàng vàng, về sau sẫm dần và cứng lại, có thể hòa tan vào rượu theo bất kỳ tỷ lệ nào. Cây chứa choline, một glucosid không tan trong nước, một saponosid acid, các acid hữu cơ (citric, glycolic, glyeeric) và hai heterosid là romaside và romarinoside; còn có acid rosmarinic[3].
Ứng dụng
Hương thảo tỏa mùi hương nồng,có mùi the the như bạc hà. Bộ phận sử dụng được của hương thảo là ngọn cây với lá. Khi thu hoạch ở quy mô lớn, người ta có thể cắt các ngọn cây có hoa đem phơi hay sấy khô, đập lấy lá. Cũng có thể cắt các cành tươi không hoa hoặc tỉa lá để dùng ở quy mô nhỏ. Hương thảo dùng để trang trí, cải thiện sức khỏe, nấu ăn, ngăn muỗi, đặc biệt hương thảo còn giúp loại bỏ căng thẳng, tăng cường trí nhớ, giúp tinh thần sảng khoái, tinh dầu của cây kích thích phát triển trí não của con người, giúp con người làm việc tốt hơn, trẻ hoạt bát hơn, học tốt hơn và nhanh thuộc bài hơ,và lá cây còn được dùng để làm thức ăn.
Ẩm thực
Lá tươi hay lá khô đều được dùng làm gia vị trong ẩm thực. Cành cây được sử dụng làm que xiên trong các món nướng BBQ, lá được gia vào món beefsteak, đặc biệt thích hợp khi khử mùi các loại thịt đỏ như thịt cừu, thịt bò thậm chí các loại thịt rừng có mùi như thịt nai, heo mọi. Các món thuần Âu như cừu nướng áp chảo, đút lò, nướng nguyên tảng, đến cừu hầm đều có thể sử dụng hương thảo. Các loại thịt trắng như thịt lợn, thịt gà, các loại rau củ quả như khoai tây, cà rốt cũng có thể sử dụng hương thảo cho ra các món rất thơm ngon. Ở Việt Nam, hương thảo còn dùng cho món luộc, sốt, nấu, hấp.Ở Úc,họ dùng hương thảo để rắc lên cá hồi và cho vào lò nướng.
Dùng làm gia vị nấu ăn
Lá hương thảo là một gia vị tạo mùi hiệu quả giúp mang lại hương vị đặc trưng cho món ăn như: Sườn heo nướng lá hương thảo, gà nướng lá hương thảo,...
Y tế
Hương thảo có vị chát, nóng, mùi thơm nồng, hơi se, có tính tẩy uế và chuyển máu. Dùng với liều thấp, nó gây sự dồn máu ở các cơ quan vùng bụng và kích thích sự tiết dạ dày và ruột; nó cũng lợi tiểu. Với liều cao, nó gây co thắt và chóng mặt. Tinh dầu có tác dụng thông ruột, lợi mật và lợi tiểu. Người ta biết được tác dụng của hương thảo là do sự có mặt của acid rosmarinic và các flavonoid, nó cũng có những tính chất chống oxy hóa cũng do có acid rosmarinic. Hương thảo còn được biết với công dụng giúp con người tư duy và ghi nhớ tốt hơn. Nhóm hợp chất terpene trong tinh dầu hương thảo ngăn chặn sự phân hủy của acetylcholine (C7H17NO3) – một chất truyền dẫn thần kinh. Acetylcholine tham gia vào quá trình truyền dẫn xung thần kinh trong cơ thể, chất này tồn tại càng lâu thì khả năng ghi nhớ, tư duy của con người càng tăng.
Ở châu Âu người ta cũng dùng lá hương thảo làm pommat và thuốc xoa trị thấp khớp và đau nửa đầu. Nước hãm (nấu một nắm lá trong ½ lít nước để chiết hết thuốc) dùng rửa các vết thương nhiễm trùng và lâu khỏi. Dùng trong nước hãm này dùng lợi tiểu và gây tiết mật.
Theo bác sĩ Nguyễn Thường Hạnh, chuyên ngành nội tổng quát, đang làm giám định viên tại Bệnh viện Ung bướu TP.HCM cho biết, lá hương thảo có một số công dụng chủ yếu sau:
Tăng cường sức đề kháng
Trong tinh dầu của hương thảo có chứa myrcene – một loại hóa chất có vai trò chống oxy hóa mạnh, giúp loại bỏ các gốc tự do. Giúp tăng cường hệ thống miễn dịch trong bạn và chống lại các tác nhân gây bệnh.
Giảm đau cơ và đau khớp
Trong lá hương thảo có chứa 1,8-cineole (hay eucalyptol), alpha-pinene và long não có tác dụng làm giảm đau, chống viêm. Ngoài ra, lá hương thảo còn dùng để giảm đau, bong gân và điều trị các bệnh lý về xương khớp.
Cải thiện hoạt động hô hấp
Hợp chất eucalyptol và long não có trong lá hương thảo hỗ trợ không khí lưu thông trong phổi tốt hơn, giúp làm giãn phế quản phổi. Và làm giảm một số vấn đề về về hệ hô hấp như: Nghẹt mũi, đau họng,...
Giảm căng thẳng
Trong lá hương thảo có chứa tinh dầu giúp tinh thần thoải mái, giảm cân thẳng mang lại cảm giác nhẹ nhàng.
Tăng sức khỏe răng miệng
Trong lá hương thảo có chứa các chất như: Axit rosmarinic, axit carnosic được dùng để làm kem đánh răng giúp bảo vệ răng khỏi tác nhân gây hại.
Dùng để đuổi muỗi
Tinh dầu trong lá hương thảo còn có công dụng xua đuổi muỗi hiệu quả vì chứa các chất như: Alpha-pinen (tới 80%), terpen, borneol. Bạn có thể trồng hương thảo trong nhà, đun lá hương thảo với nước để tỏa mùi thơm hoặc pha tinh dầu hương thảo vào nước để xịt nhằm xua muỗi.